Nghị
định số 157/2020/NĐ-CP đã bổ sung 01 Điều; sửa đổi, bổ sung 10 Điều; bãi bỏ một số khoản tại Điều 29 của Nghị định số
85/2013/NĐ-CP và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2021, với một số nội
dung cơ bản như sau:
Thứ nhất, phạm vi điều chỉnh của Nghị định này thay cụm từ “công bố danh sách người giám định tư pháp theo vụ việc, tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc” thành “quyết định công nhận người giám định tư pháp theo vụ việc, tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc”.
Thứ hai, quy định cụ thể hơn đối với Văn phòng giám định tư pháp (GĐTP) tự chấm dứt hoạt động,
theo đó chậm nhất 30 ngày trước thời điểm dự kiến chấm dứt hoạt động,
Văn phòng GĐTP phải báo cáo bằng văn bản gửi Sở Tư pháp. Trong thời hạn
07 ngày làm việc, Sở Tư pháp trình Chủ tịch UBND cấp tỉnh xem xét, quyết
định. Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày Sở Tư pháp trình hồ sơ, Chủ
tịch UBND cấp tỉnh ra quyết định chấm dứt hoạt động của Văn phòng GĐTP.
Trong đó, Điều 23 Nghị định số 85/2013/NĐ-CP (quy định thời gian công bố
danh sách người giám định tư pháp theo vụ việc, tổ chức giám định tư
pháp theo vụ việc) được sửa đổi, bổ sung thành: Công nhận và đăng tải,
hủy bỏ công nhận người giám định tư pháp theo vụ việc, tổ chức giám định
tư pháp theo vụ việc.
Thứ ba, quy định mới về công nhận và đăng tải danh sách người, tổ chức GĐTP theo vụ việc:
Bộ, ngành trung ương, UBND cấp tỉnh lựa chọn người đủ tiêu chuẩn, tổ
chức đủ điều kiện theo quy định tại Điều 18, 19 của Luật GĐTP ra quyết
định công nhận. Danh sách công nhận được đăng tải trên cổng thông tin
của bộ, ngành trung ương, UBND cấp tỉnh và gửi cho Bộ Tư pháp .
Theo đó, điểm b khoản 2 Điều 27 Nghị định số 85/2013/NĐ-CP sửa đổi như sau: “UBND
cấp tỉnh có nhiệm vụ rà soát, đăng tải và cập nhật danh sách cá nhân,
tổ chức GĐTP trên Công thông tin điện tử của UBND cấp tỉnh, đồng thời
gửi danh sách cho Bộ Tư pháp”.
Thứ tư, về
chế độ phụ cấp đối với giám định viên tư pháp và người tham gia GĐTP
ngoài các chế độ phụ cấp trước đây, Nghị định đã bổ sung chế độ phụ cấp thường trực đối với giám định viên tư pháp và người tham gia GĐTP thuộc tổ chức GĐTP công lập về pháp y thuộc ngành y tế.
Cũng
tại Nghị định này, Chính phủ giao Bộ Y tế phối hợp với các bộ, ngành
có liên quan xây dựng chế độ phụ cấp thường trực đối với giám định tư
pháp và người tham gia GĐTP thuộc tổ chức GĐTP công lập về pháp y thuộc
ngành y tế trình cơ quan có thẩm quyền ban hành.
Thứ năm, bổ sung nhiệm vụ, quyền hạn của Sở Tư pháp: “Chủ trì, phối hợp với cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh trong việc giúp Chủ tịch UBND cấp tỉnh cấp, cấp lại, thu hồi thẻ giám định viên tư pháp”. Đồng thời, hướng dẫn rõ hơn lựa chọn để trình Chủ tịch UBND cấp tỉnh ra quyết định công nhận, ra quyết định hủy bỏ công nhận người giám định tư pháp theo vụ việc, tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc ở địa phương.
Thứ sáu, bổ sung thủ tục hành chính về GĐTP “Cá
nhân, tổ chức nộp 01 bộ hồ sơ trực tuyến hoặc trực tiếp hoặc qua đường
bưu chính đến cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về GĐTP và quy định của pháp luật có liên quan khi thực hiện thủ tục hành chính về GĐTP”.
Người giám định tư pháp theo vụ việc, tổ chức giám định tư pháp theo vụ
việc đã được lựa chọn, lập và công bố trước ngày 1/1/2021, nếu còn đủ
tiêu chuẩn, điều kiện thì được công nhận là người giám định tư pháp theo
vụ việc, tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc theo quy định của Luật
sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp.
Minh Thăng - Chi cục TĐC Đồng Nai