Hệ thống quản lý chất lượng theo phù hợp tiêu chuẩn TCVN ISO
9001 phiên bản 2000 và 2008 hiện nay là phiên bản cũ. Đến tháng 9/2015, Tổ chức
tiêu chuẩn hóa ban hành tiêu chuẩn mới là ISO 9001:2015 là một trong những công
cụ hỗ trợ đáng kể cho việc công khai, minh bạch hóa quy trình, thủ tục giải
quyết công việc theo yêu cầu của tổ chức và công dân.
Quản lý theo hình thức ISO thủ công hiện nay có 4 nhược điểm
chính:
Thứ nhất, việc kiểm soát thông tin thủ công, chỉ những người
trong quy trình mới biết được tình trạng thực hiện công việc của các công đoạn
trước thông qua phiếu kiểm soát ISO; không thể tra cứu và tổng hợp thông tin về
tình trạng công việc.
Thứ hai, tài liệu về ISO rất nhiều, lên đến vài trăm trang,
không ai có thể nhớ hết để thực hiện trong lĩnh vực của mình.
Thứ ba, với một nền hành chính luôn thay đổi, các nghị định và
thông tư ra đời liên tục, biểu mẫu và quy trình được soạn thảo khi xây dựng ISO
sẽ nhanh chóng lạc hậu, không theo kịp thực tế.
Thứ tư, cơ chế kiểm soát thường xuyên và xử phạt khi không theo
đúng ISO hầu như không được xây dựng và áp dụng, nên chỉ một vài tháng sau khi
công bố áp dụng ISO thì tất cả lại trở về như cũ.
Hệ thống quản lý theo ISO điện tử, quy trình công việc được tự
động hóa, thống nhất, chuẩn hóa, không phụ thuộc vào ý muốn chủ quan của những
người tham gia vào quy trình. Đặc biệt, người dân có thể tham gia kiểm soát
chất lượng và kết quả công việc chi tiết đến từng chuyên viên.
Ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong quản lý quy trình công
việc và hỗ trợ xử lý nghiệp vụ chính là hình thức ISO điện tử. Ưu điểm của hình
thức này là ISO được xây dựng mặc định trong hệ thống gồm: quy trình công việc,
nội dung thực hiện, thời gian quy định cho từng công đoạn; biểu mẫu được kết
xuất tự động mang tính thống nhất, chuẩn hóa, không phụ thuộc vào ý muốn chủ
quan của những người tham gia vào quy trình. Tiến trình công việc sẽ tự động
được ghi nhận và kết xuất ra dưới hình thức biểu mẫu hoặc bảng tổng hợp. Ở bất
cứ thời điểm nào, bất cứ vị trí nào, khi được phân quyền là có thể tra cứu hoặc
tổng hợp thông tin chi tiết nhiều chiều, nhiều dữ kiện khác nhau. Điều đó giúp
chuyên viên nắm được khối lượng và thời gian thực hiện công việc, lãnh đạo các
cấp nắm được kết quả thực hiện chi tiết đến từng chuyên viên, từng phòng ban/bộ
phận và cả bộ máy thuộc quyền quản lý của mình.
ISO điện tử rất dễ dàng cập nhật những thay đổi về quy trình và
biểu mẫu nhằm đáp ứng biến động thực tế. Khi có thay đổi, việc phổ cập quy
trình mới, biểu mẫu mới được thực hiện hoàn toàn tự động. Với ISO điện tử, việc
công bố thông tin cho người dân trở nên dễ dàng và hoàn toàn tự động. Người dân
có thể tham gia kiểm soát chất lượng và kết quả công việc chi tiết đến từng
chuyên viên.
ISO điện tử có thể phân thành 2 dạng: Dạng thứ nhất là các quy
trình công việc ổn định trong một thời gian nhất định, liên quan đến nhiều
phòng ban/bộ phận, có sự tham gia của nhiều người. Trong những quy trình này,
mỗi phòng ban/bộ phận tham gia những công việc thường xuyên và ổn định, có quy
định thời gian thực hiện trong từng công đoạn. Đối với dạng này, quy trình
tương đối ổn định, chỉ thay đổi khi có quy định, thông tư mới, phù hợp áp dụng
giải quyết thủ tục hành chính ở các phường/xã, quận/huyện, hoặc các sở; Thứ hai
là dạng công việc phát sinh và được phân thực hiện theo thời gian. Khi phát
sinh công việc thì xây dựng quy trình và triển khai vận hành theo quy trình.
Dạng thứ hai hợp với những đơn vị quản lý công việc theo đầu việc phát sinh.
Để triển khai ISO điện tử, cần nhận thức rằng, ISO thủ công hay
ISO điện tử thì con người vẫn là thành phần quyết định chính để hệ thống vận
hành theo ISO. Với ISO thủ công, mỗi người tham gia trong quy trình cần phải ký
xác nhận ngày nhận và ngày kết thúc công việc. Với ISO điện tử, họ phải thực
hiện thao tác xác nhận công việc đã hoàn thành. Việc thao tác trong phần mềm
thực sự đơn giản và nhanh hơn rất nhiều so với ghi nhận trên phiếu kiểm soát
ISO. Và cần nhận thức rằng CNTT cũng như hệ thống ISO điện tử thực ra chỉ là
công cụ, việc đầu tư mua sắm công nghệ là đơn giản và có thể dễ thực hiện; việc
vận hành được công nghệ để khai thác hiệu quả hoạt động hành chính của cơ quan
nhà nước mới là quan trọng; điều này đòi hỏi phải không ngừng nâng cao chất
lượng đội ngũ cán bộ, công chức và viên chức; nghĩa là không ngừng cải cách
hành chính và cốt lõi của cải cách hành chính đó chính là thông tin, quy trình,
con người..../.
Khánh Linh